Xã Hoằng Lộc thuộc huyện Hoằng Hóa là một vùng đất cổ, có truyền thống canh tác nông nghiệp và nghề thủ công truyền thống; nằm ở phía Đông Nam huyện, cách trung tâm huyện Hoằng Hóa 6 km về phía Tây Nam, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 5 km về phía Đông Bắc. Phía Bắc giáp xã Hoằng Thịnh và xã Hoằng Thái, phía Đông giáp xã Hoằng Thành, phía Tây giáp xã Hoằng Quang, phía Nam giáp xã Hoằng Đại (thành phố Thanh Hóa).

Hoằng Lộc có diện tích tự nhiên là 253,99 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 173,15 ha, đất phi nông nghiệp 80,15 ha, đất chưa sử dụng: 0,69 ha. Dân số 5.530 người, với 1.617 hộ, mật độ dân số 5,53 người/m2.

Đất đai xã Hoằng Lộc phần lớn là đất thịt pha cát, thích hợp cho việc thâm canh lúa và màu. Đây là vùng đất được kiến tạo sau đợt biển lùi vào cuối kỷ Đệ tứ[1]. Từ một vùng lầy lội, xen kẽ cồn, bái[2], qua quá trình bồi tụ của thiên nhiên hàng vạn năm, cùng với sức lao động sáng tạo của nhiều thế hệ người Hoằng Lộc đã trở thành vùng nông nghiệp trồng lúa với những xóm làng trù phú.

Trên đất Hoằng Lộc còn in rõ dấu tích của những dải cát cấu tạo nên vùng đất cát pha chạy dài xuống phía bắc sông Lạch Trường (là một nhánh sông Mã đổ ra cửa Lạch Trường). Đó là những gợn dải cát như gợn sóng, song vì nó được hình thành từ lâu, nên ở độ cao từ 3 - 5m đã bị bào mòn, làm mờ đi, nên chỉ còn nhận rõ qua việc sắp xếp các làng mạc. Dải cát rộng này gặp sự đổi dòng của sông Mã, không có dòng nước ngọt chảy qua nên có nơi vẫn giữ được độ cao từ 2 - 3m, giờ đây trở thành vùng đồng màu rộng lớn của huyện Hoằng Hóa[3]. Riêng khu đồng màu Hoằng Lộc nằm ở phía Đông và Đông Bắc của xã.

Xưa kia, dòng sông Mã chảy thẳng về Lạch Trường rồi Lạch Trào bồi đắp nên một cánh đồng màu mỡ nằm ở địa phận 3 tổng: Từ Minh, Hành Vĩ và Bút Sơn (gọi là cánh đồng Tam Tổng) có độ cao trung bình 1,2m. Đây là trung tâm đồng bằng, là vựa lúa của huyện Hoằng Hóa, trong đó có xã Hoằng Lộc (thuộc tổng Hành Vĩ xưa)[4].

Đất đai xã Hoằng Lộc có đặc điểm là khu đồng màu (ở phía Đông Bắc) cao hơn so với khu đồng sâu (ở phía Tây, Tây Nam); do đó, rất thuận lợi cho trồng cây lúa nước và phát triển trồng màu như: ngô, khoai, cà chua, rau, đậu… đặc biệt là trồng dừa, kè.

Do chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, Hoằng Lộc có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng gặp không ít khó khăn do những trận bão từ biển Đông thường xuyên tràn vào. Mùa khô thường hạn hán, mùa mưa thường ngập úng gây gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Hoằng Lộc xưa kia liền kề đường Thiên lý[5] - con đường huyết mạch của đất nước, đã tạo thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục…

Thuở xưa, khi ở phía Tây Hoằng Lộc (đầu làng Đường Bột) còn kề cận với “Một chi sông Mã”[6] thì điều kiện giao thông đường thủy đã cho phép người Hoằng Lộc từ sông Mã lên rừng, xuống biển và ra cả tỉnh ngoài.

Đặc biệt, vùng Đông Nam của huyện Hoằng Hóa có 3 huyện lộ đều cắt nhau tại trung tâm xã Hoằng Lộc, gồm: Bút Sơn - Hoằng Đại (qua xã 1 km); đường PU18 Bút Sơn - Hoằng Lộc - Cầu Hoằng Long (qua xã 2 km); đường WP2 Hoằng Vinh - Hoằng Lộc - Hoằng Thành (qua xã 1 km). Đường liên xã đã có từ thuở lập làng, đến nay vẫn được sử dụng và nâng cấp, như: Hoằng Lộc với Hoằng Đại (từ phía Nam để đến vùng biển); qua Hoằng Thịnh (từ phía Đông - Bắc sang Hậu Lộc); Hoằng Quang (từ phía Tây qua cầu Nguyệt Viên để đến thành phố Thanh Hóa) và qua Hoằng Thành (ở phía Đông). Hiện nay, đường liên thôn ở Hoằng Lộc tiếp tục được mở rộng.

Từ bờ đê sông Mã, ngắm toàn cảnh Hoằng Lộc, cho thấy đây là một vùng đất khá vuông vức được dân gian hình dung tựa cái nghiên lớn và con đường từ Nguyệt Viên về Hoằng Lộc là cái bút đang chấm vào nghiên mực chỉ một vùng đất học nổi tiếng. Trong xóm làng, những hàng dừa trĩu quả, rặng kè, cây trái xanh mát xen lẫn kiến trúc nhà cửa, đình chùa, đền miếu cổ kính đẹp như một bức tranh.

Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đã cho phép xã Hoằng Lộc phát triển nghề trồng lúa, trồng màu và các nghề thủ công truyền thống như dệt may, thợ mộc, thợ nề… rất thuận lợi trong giao lưu với mọi miền đất nước, để Hoằng Lộc sớm phát triển kinh tế nông nghiệp, thương nghiệp, văn hóa - giáo dục, trở thành vùng đất giàu đẹp. Song, những khó khăn do thiên nhiên gây nên cũng không ít như khí hậu khắc nghiệt, bão, lụt, úng, hạn hán là thử thách thường trực đối với Hoằng Lộc. Trong suốt chiều dài lịch sử, với tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, cùng với phẩm chất kiên cường, bất khuất, cộng đồng dân cư Hoằng Lộc đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.



[1] Theo sự phân chia niên đại địa chất

[2] Bái: Chỉ những bãi bồi chủ yếu là đất cát pha trồng màu.

[3] Vùng đồng màu ở Hoằng Hóa gồm các xã như: Hoằng Lộc, Hoằng Thành, Hoằng Đông, Hoằng Thịnh, Hoằng Vinh, Hoằng Thái, Hoằng Đồng, Hoằng Thắng, Hoằng Đạo…

[4] Xưa kia, khi chưa có đê sông Mã, đê sông Lạch Trường, khi có mưa, lũ lụt phù sa đổ về bồi đắp cánh đồng Tam Tổng rất màu mỡ.

[5] Xưa kia đường Thiên lý Bắc - Nam chạy gần Hoằng Lộc, địa danh “Đồng Bến” ở xóm Đồng cũng phản ánh dấu vết của dòng sông - con đường này từ Thăng Long (Hà Nội) qua Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa rồi vào phía Nam.

[6] Khu đồng sâu Hoằng Lộc xưa gần với sông; địa danh “Đồng Bến” ở xóm Đồng cũng phản ánh dấu vết của dòng sông - Bài văn bia Cầu Đường Bột còn ghi lại hình ảnh chiếc cầu đá bắc qua một chi sông Mã ở đầu làng:

Phía Tây Đường Bột

Có đường khang trang

Trên từ miếu thần

Xuống đến đại giang

Vốn xưa cầu cũ.

Công khai kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
254954