Hoằng Lộc là vùng đất cổ và nằm trong khu vực trung tâm của những làng cổ ở xứ Thanh. Làng được hình thành và phát triển từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn cách đây 2000 năm. Về mặt địa lý hành chính, ngay từ thuở sơ nguyên Hoằng Lộc đã có nhiều tên gọi, địa giới hành chính. Xưa kia, Hoằng Lộc có tên là Kẻ Vụt, địa danh này giúp chúng ta xác định làng được hình thành từ rất sớm. Đến đầu thế kỷ thứ X, Kẻ Vụt được đổi tên thành Đường Bột. Đến thời Lê Sơ thì Đường Bột được gọi là Đà Bột, Đà Bột gồm Bột Thượng và Bột Thái; 

Muộn nhất vào thế kỷ XV, Bột Hạ đổi thành Bột Thái, Đà Bột gồm hai xã Bột Thượng và Bột Thái. Trên thực tế sự chia cắt này chỉ thuần túy về mặt hành chính là cơ sở để nhà nước phong kiến quản lý chứ không gây xáo trộn gì về địa lý và dân cư, ở đây vẫn là khối cộng đồng dân cư đã tồn tại ổn định và bền vững hàng ngàn năm. Tuy mỗi xã có tên riêng Bột Thái, Bột Thượng nhưng mọi người vãn gọi là Làng Bột hay Lưỡng Bột hoặc Nhị Bột.

Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), hai xã Bột Thượng và Bột Thái lại được tái nhập và mang địa danh mới là xã Hoằng Đạo.

Từ cuối thế kỷ XIX cho đến trước năm 1945, xuất hiện hai tên xã Hoằng Nghĩa và Bột Hưng. Hai tên mới Hoằng Nghĩa và Bột Hưng tồn tại cho đến Cách mạng tháng Tám 1945 rồi được sát nhập vào các xã Thịnh Hòa, Đoan Vỹ, Bình Yên thành xã Hưng Thịnh. Đúng vào ngày tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (6/01/1946), Hoằng Nghĩa-Bột Hưng được tách riêng và lập thành xã Hoằng Bột. Tháng 4 năm 1947, xã Hoằng Bột được gộp với xã Bái Trung, xã Đại Bái thành xã Hoằng Lộc. Cuối năm 1953, xã Hoằng Lộc chia thành 4 xã nhỏ, Hoằng Bột trở lại vị trí một xã và lấy tên chính thức là Hoằng Lộc cho đến ngày nay.
             Năm 2018, xã Hoằng Lộc gồm 12 thôn: Đình Nam, Bắc Nam, Hưng Tiến, Bái Đông, Hưng Thịnh, Đông Phú, Đình Bảng, Đồng Mẫu, Chùa, Đà, Lay, Sau.
                 Đến tháng 10 năm 2018, sau khi tiến hành sáp nhập thôn Hoằng Lộc còn lại 7 thôn là: Thành Nam (Đình Nam và Bắc Nam), Đông Tiến (Bái Đông và Hưng Tiến), Đồng Thịnh (Đồng Mẫu và Hưng Thịnh), Tiến Thành (Sau và Đà), Phúc Lộc (Lay và Chùa), Đình Bảng, Đông Phú.
                 Như vậy, trải qua mấy nghìn năm lịch sử quê hương Hoằng Lộc đã bao lần thay đổi tên gọi cùng với quá trình tách ra rồi lại nhập vào, nhưng quá trình ấy không gây một sự xáo trộn nào về mặt địa dư cũng như các nếp phong tục tập quán của nhân dân địa phương. Chính quá trình đổi thay này lại càng chứng tỏ sự ổn định của địa phương trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội qua nhiều thế kỷ.

Công khai kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
254954