Truyền thống khoa bảng xã Hoằng Lôc
Hoằng Lộc là một vùng quê văn hiến, có truyền thống lâu đời trong học hành, khoa cử, được mệnh danh là vùng đất học của xứ Thanh.
TRUYỀN THỐNG KHOA BẢNG
Nhiều tài liệu lịch sử cho biết, Hoằng Lộc là một vùng quê có lịch sử phát triển lâu đời. Những dấu ấn văn hóa vật chất còn lại cho thấy từ khi châu thổ sông Mã vừa mới kiến tạo, con ngươi đã chinh phục, khai phá vùng đất này, cho đến thời các vua Hùng dựng nước nơi đây đã hình thành làng cổ.
Trải qua quá trình hàng nghìn năm lao động sáng tạo xây dựng xóm làng quê hương của bao thế hệ người Hoằng Lộc đã hun đúc những giá trị lịch sử văn hóa giàu bản sắc. Năm 2002, Hoằng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng Bằng Làng có công với nước và cũng trong năm 2002, xã được công nhận đạt danh hiệu làng văn hoá cấp tỉnh, đến năm 2016 vừa qua Hoằng Lộc đã được công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần trong cộng động dân cư, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông và những thuần phong mỹ tục của địa phương, xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Hoằng Lộc là một vùng quê văn hiến, có truyền thống lâu đời trong học hành, khoa cử, được mệnh danh là vùng đất học của xứ Thanh. Nhờ có sự học, nhờ giáo dục mà danh tiếng Hoằng Lộc vang xã, cũng nhờ giáo dục mà cả nước biết đến Hoằng Lộc. Hoằng Lộc có lịch sử khoa cử 438 năm, lịch sử ghi nhận kể từ năm có vị khai khoa là ông Nguyễn Nhân Lễ, đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu, Hồng Đức thứ 12 (1481) đến khoa thi nho học cuối cùng triều Khải Định (1919).
Trong hơn bốn thế kỷ, Hoằng Lộc có mười hai người được đề danh trên bảng vàng đại khoa, trong đó có bảy vị được khắc tên tại bia đá đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám; có hai người đỗ tam khôi là ông Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất và ông Thám hoa Nguyễn Sư Lộ; hai người đỗ Đình nguyên Hoàng giáp là ông Nguyễn Thứ và ông Nguyễn Lại (hai kỳ thi này không lấy tam khôi); một người đỗ Hội nguyên là ông Nguyễn Nhân Thiệm và hai người đỗ Hoàng giáp là ông Nguyễn Cẩn và ông Nguyễn Bá Nhạ.
Hoằng Lộc cũng là quê hương của Nguyễn Quỳnh, con người tài ba được xã hội đương thời xếp vào hàng Tràng An tứ hổ: nhất Quỳnh, nhì Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn.
Một biểu tượng nét đẹp trong việc khuyến học ở Hoằng Lộc là di tích LS-VH cấp Quốc gia Bảng Môn Đình, có tác dụng lớn lao trong việc giáo dục, khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện nhằm phát huy tài năng, trí tuệ, phẩm chất của kẻ sĩ.
1. Danh sách mười hai người đỗ đại khoa:
1. Nguyễn Nhân Lễ (1461): Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Sửu Hồng Đức 12 (1481), lúc 21 tuổi.
2. Nguyễn Thanh (1506): Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Sửu Quảng Hòa 1 (1541), lúc 36 tuổi.
3. Nguyễn Sư Lộ (1519): Đệ nhất giáp chế khoa xuất thân đệ tam danh (Thám Hoa), khoa Chế khoa năm Giáp Dần, Thuận Bình thứ 6 (1554).
4. Bùi Khắc Nhất (1533): Đệ nhị giáp Chế khoa xuất thân đệ nhị danh (Bảng Nhãn), khoa Chế khoa Ất Sửu năm Chính trị thứ 8 (1565), lúc 33 tuổi.
5. Nguyễn Cẩn (1537): Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân thứ 3 (Hoàng Giáp), khoa Cảnh thìn Diên Thành thứ 3 (1580) lúc 44 tuổi.
6. Nguyễn Nhân Thiệm (1535): Hội nguyên khoa Quý Mùi Quang Hưng thứ 6 (1583) triều Lê Thế Tôn, lúc 49 tuổi.
7. Nguyễn Thứ (1572): Đình nguyên Hoàng giáp, khoa Mậu Tuất Quang Hưng thứ 21 (1598) triều Lê Thế Tôn, lúc 27 tuổi.
8. Nguyễn Lại (1581): Đình nguyên Hoàng giáp, khoa Kỷ Mùi Hoằng Định thứ 20 (1619), triều Lê Kính Tông, lúc 39 tuổi.
9. Nguyễn Ngọc Huyền (1685): Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Sửu Bảo Thái thứ 2 (1721) triều Lê Dụ Tôn, lúc 37 tuổi.
10. Lê Huy Du (1757): Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Đinh Mùi Chiêu Thống nguyên niên (1787) triều Lê Mẫn Đế, lúc 31 tuổi.
11. Nguyễn Tôn Thố (1793): Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân thứ 5, khoa Ất Mùi Minh Mệnh thứ 16 (1835), lúc 43 tuổi.
12. Nguyễn Bá Nhạ (1822): Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân thứ nhất (Hoàng Giáp) và là người đỗ thứ 2 khoa thi Quý Mão Thiệu Trị 3 (1843) lúc 22 tuổi.
Bên cạnh đó, có nhiều người tuy chỉ đỗ Cử nhân nhưng uy tín, đức độ, chức vụ cũng khá nổi tiếng như: Nguyễn Quỳnh, Hà Duy Phiên, Nguyễn Huy Lịch, Lê Huy Tiêu...
Tinh thần hiếu học trong gia đình, dòng họ tạo thành truyền thống hiếu học của cả xã. Tinh thần hiếu học đó đã đi vào ca dao thành lời ru, điệu hát qua bao thế hệ còn truyền tụng đến ngày nay:
Trai mỹ miều gắng công đèn sách
Gái thanh tân chăm mạch cửi canh
Khác với những xã khác trong Huyện, ở Hoằng Lộc học được coi là một nghề. Thế hệ học sinh Hoằng Lộc nối tiếp nhau đều ý thức được truyền thống hiếu học là tài sản quý mà lớp người đi trước đã truyền lại. Phấn đấu và đào tạo cho đất nước nhiều nhân tài, các trường ở địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện với phương châm giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trong các kì thi học sinh giỏi từ cấp huyện đến cấp tỉnh đều có học sinh tham gia, trung bình mỗi năm làng có từ 120 -150 học sinh đạt giải từ khuyến khích trở lên, hàng năm làng có khoảng 40-50 em học sinh đậu các trường đại học, cao đẳng.Thế hệ trẻ Hoằng Lộc ngày nay đang nối tiếp truyền thống của quê hương hiếu học. Những năm gần đây, Hoằng Lộc tự hào có em Nguyễn Phi Lê đạt giải nhì cuộc thi Toán quốc tế tại Hàn Quốc (năm 2000), em Bùi Lê Na đạt Huy Chương Vàng môn Vật lý Châu Á Thái Bình Dương, em Hoàng Thị Loan đạt giải nhất môn Văn quốc gia; em Nguyễn Quốc Trí đạt giải Ba môn Hóa lớp 12 Quốc gia; em Lê Thị Khanh đạt giải Khuyến khích môn Toán lớp 12 Quốc gia; em Nguyễn Ngọc Long đạt 1 Huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế, 1 Huy chương vàng Vật lý Châu Á Thái Bình Dương (năm 2018).
Đất nước hội nhập và đổi mới, Hoằng Lộc đã và đang phát triển đi lên về mọi mặt, đời sống kinh tế của người dân Hoằng Lộc đã đổi thay hơn trước rất nhiều. Số hộ gia đình khá giả ngày một tăng, số hộ nghèo ngày càng giảm. Bộ mặt của xã ngày nay đang thay đổi về mọi mặt.