Từ thuở lập làng, trải qua hàng ngàn năm lịch sử dù đã nhiều lần thay đổi tên gọi, cùng với quá trình tách ra rồi lại nhập vào, nhưng về địa dư, dân cư và nếp sống, phong tục tập quán của Hoằng Lộc vẫn được bảo lưu bền vững và ổn định về mọi mặt trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Do đó, truyền thống lịch sử của đất và người Hoằng Lộc được biểu hiện rõ nét ở truyền thống trong lao động, truyền thống văn hóa và chống giặc ngoại xâm kiên cường.

1. Truyền thống chống ngoại xâm

Là vùng đất trù phú, xưa kia nằm cạnh đường Thiên lý Bắc - Nam, đường thủy là chi sông Mã chảy qua ngay đầu làng, nên Hoằng Lộc trong suốt chiều dài lịch sử cùng với toàn huyện luôn là hậu phương đóng góp sức người, sức của cho các cuộc chống ngoại xâm của đất nước. Đã có nhiều người con của Hoằng Lộc trong thời kỳ chống Bắc thuộc đã đứng dưới cờ nghĩa của các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 41) khi rút vào Cửu Chân (Thanh Hóa) tử thủ; khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248) lập căn cứ tại Phú Điền (Hậu Lộc) cách không xa Hoằng Lộc, khởi nghĩa Lý Bí và công cuộc xây dựng Nhà nước Vạn Xuân (542) khi rút vào Ái Châu (Thanh Hóa) với những tên tuổi các tướng lĩnh tài năng hiện còn được thờ trên đất Hoằng Hóa như Lý Thiên Bảo, Triệu Quang Phục.

Vào thời Lý (1010-1225), trang Đường Bột (Hoằng Lộc) đã trở thành vùng “linh địa” nơi trú quân của các Vua Lý khi tiến hành các cuộc hành quân chống giặc phương Nam. Do đó, nơi đây có tới 3 miếu (Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam) đều thờ thần Đống lửa vì đã có công giúp vua đánh giặc. Mảnh đất này còn in dấu tích địa điểm đóng quân của vua Lý, như các địa danh: Đông Cung (hành cung của nhà vua ở phía đông làng), cồn Mộc Bài (nơi cắm thẻ gỗ để được vào Đông Cung), cồn Mã Hàng (nơi đặt tàu ngựa)… Nguyễn Tuyên, người con ưu tú của trang Đường Bột đã trở thành Đại tướng quân - vị công thần triều Lý vì có công giúp vua Lý Thái Tông (1028-1054) tuyển quân sĩ tại quê hương, chỉ huy đánh thắng giặc Chiêm Thành.

Đầu thế kỷ XV, khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống giặc Minh, nhiều người Hoằng Lộc đã xung phong vào đội nghĩa binh - là những chiến sĩ kiên trung dưới ngọn cờ cứu nước, góp phần giành độc lập cho dân tộc.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, bất chấp sự đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn, các sĩ phu yêu nước và nhân dân cả nước đã đứng lên chống trả quyết liệt. Nổi bật là phong trào Cần Vương chống Pháp phát triển mạnh ở Thanh Hóa mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Ba Đình.

Ngay sau khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng (1-9-1858), Bố chính sứ Quảng Nam Nguyễn Huy Lịch[1] - một người con ưu tú của Hoằng Lộc đã cương quyết chủ chiến. Ông là sĩ phu đầu tiên của quê hương Hoằng Bột dấy lên tư tưởng chống Pháp, trở thành tấm gương sáng cho các sĩ phu ở quê nhà noi theo.

Tháng 7-1885, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương chống Pháp. Ở Hoằng Hóa, phong trào Cần Vương phát triển rộng khắp các làng xã do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo như: Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết (1836-1886)[2], cử nhân Lê Trí Trực[3], cử nhân Võ Cao Điển (1848-1896)[4], cử nhân Nguyễn Huy Vũ..., trong đó đứng đầu là Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết.

Là vùng đất học - nơi có đông đảo sĩ phu, Hoằng Lộc đã sớm bùng lên phong trào “Cần Vương” chống Pháp. Đứng đầu là cử nhân Nguyễn Huy Vũ[5]- Tri huyện Bình Lục (Hà Nam) đã cáo quan về quê dựng cờ nghĩa chống giặc. Đông đảo các nhà nho, sĩ phu, võ quan yêu nước trong làng, xã đã tập hợp dưới cờ nghĩa do ông lãnh đạo như các ông: Nguyễn Hách, Nguyễn Thiện Thông, Tú tài Lê Huy Bổng, Lê Huy Đạo, Lê Huy Chân, Quyền Thạc, Cử nhân Võ Lê Quảng, Nguyễn Cành, Nguyễn Mễ, Nguyễn Vệ… cùng những người ruột thịt luôn sát cánh trợ lực bên ông như: Nguyễn Huy Kiển, Nguyễn Huy Đản và Nguyễn Huy Hoạch[6]. Được sự đồng tình, ủng hộ của Lý trưởng làng Bột Thượng Lê Huy Chuyên nên phong trào càng thuận lợi.

Sau một thời gian tổ chức, tập hợp nghĩa quân, tại Bảng Môn Đình - nơi thờ Thành hoàng linh thiêng của làng, đông đảo văn thân, nhân dân Hoằng Bột dưới sự chỉ huy của Cử nhân Nguyễn Huy Vũ đã làm lễ tế cờ trước lúc xuất binh. Nghĩa quân và nhân dân trong làng xã sôi nổi tham gia rèn, sắm vũ khí, luyện tập võ nghệ, xây dựng căn cứ, lo việc lương thảo chuẩn bị đánh giặc.

Trong khi chờ giặc đến, nghĩa quân Hoằng Bột đã kịp thời bắt giam Nguyễn Tu giữ chức Hộ đốc Bắc Ninh thân Pháp (là rể về làng - thường gọi là ông Thượng Bắc). Bài vè Văn thân Hoằng Bột được sáng tác đã vạch mặt, cảnh cáo kẻ theo Tây cướp nước sẽ bị trừng trị và thất bại. Đồng thời, khẳng định dũng khí chiến đấu vì nước, vì dân của phong trào là chính nghĩa, hợp đạo trời và lòng dân nhất định sẽ giành chiến thắng.

Đạo trời nổi nghĩa văn thân

Giết quân phản tặc vinh thân hại nòi

Giáo gươm vây kín trong ngoài

Gia nhân ngài Thượng rụng rời thất kinh

Trời còn để có bữa ni

Giặc Tây có lúc phải về xứ Tây

Những quân bán nước mặt dày

Lấy gương ngài Thượng lũ mày soi chung…

 Trong thời gian này, phó bảng Nguyễn Đôn Tiết đã tích cực gặp gỡ với nhiều lãnh tụ Cần Vương trong tỉnh như Tống Duy Tân (Vĩnh Lộc), Hà Văn Mao (Bá Thước), Hoàng Bật Đạt (Hậu Lộc)… để phối hợp lực lượng cùng đứng lên đánh Pháp.

Tại huyện Hoằng Hóa, Nguyễn Đôn Tiết đã kịp thời tập hợp các đội nghĩa dũng trong toàn huyện thành một khối thống nhất, trong đó có đội nghĩa binh của cử nhân Nguyễn Huy Vũ ở Hoằng Bột. Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Đôn Tiết, nghĩa quân Hoằng Bột do Nguyễn Huy Vũ chỉ huy đã phối hợp với với nghĩa quân trong tỉnh tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ. Đó là trận đánh úp thành Thanh Hóa vào đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12-3-1886. Tuy không thành công nhưng trận đánh đã gây tiếng vang lớn cho phong trào đánh thực dân Pháp trong toàn tỉnh, trong đó có đóng góp của nghĩa quân Hoằng Bột.

Đặc biệt, trận đánh vào huyện lỵ Hoằng Hóa (Bút Sơn) và đồn Pháp ở Nghè năm thôn do Nguyễn Đôn Tiết phối hợp cùng nghĩa quân Hoằng Bật Đạt (Hậu Lộc) tiến hành vào rạng sáng ngày 24 tháng 5 năm Bính Tuất (tức là tháng 6 năm 1886); trận đánh diễn ra giữa ban ngày. Theo sự phân công, nghĩa quân Hoằng Bột và Đại Đồng (Hoằng Đồng) do Nguyễn Huy Vũ chỉ huy đã xông lên đánh tiền đồn Chợ Gồng, ôm rơm xông vào đốt huyện đường; các đội nghĩa quân khác cùng ồ ạt xung phong. Nhưng giặc Pháp có ưu thế hơn hẳn về vũ khí, lại có viện binh từ tỉnh lỵ kịp thời về cứu viện nên nghĩa quân phải mau lẹ rút lui. Nguyễn Đôn Tiết bị giặc bắt, một số nghĩa quân đã dũng cảm hy sinh.

Sự kiện ngày 3 tháng 6 năm Bính Tuất, giặc Pháp đã kéo quân đến đàn áp, giết 32 người ở Đằng Cao, Đằng Xá; chúng kéo quân qua Đại Đồng đốt một số nhà và chém đầu Bang Trạc. Tại Hoằng Lộc, giặc bắt Nguyễn Huy Vũ và 3 người cháu ruột đem chém đầu ở Ba Đình (Nga Sơn), xẻo tai ông Quyền Thạc, đốt một số nhà…; chúng định đốt đình Bảng Môn. Nhưng, trước sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân 2 làng Bột Thượng và Bột Thái cùng lý lẽ đanh thép của bà xã Đá: “Đình Bảng là nơi thờ thần của làng, nếu đốt thì cả làng sẽ theo văn thân”. Hoảng sợ trước áp lực của nhân dân, lũ giặc phải tháo lui.

Sự đàn áp dã man của kẻ thù càng tăng thêm lòng căm thù giặc, thôi thúc nhiều nghĩa quân Hoằng Bột đến với căn cứ Ba Đình, đánh Pháp kiên cường và nhiều người đã hy sinh anh dũng.

Sự nghiệp cứu nước trong phong trào “Cần Vương” chống Pháp ở Thanh Hóa cũng như cả nước bị quân thù đàn áp đẫm máu và thất bại. Song, kẻ thù không dập tắt được ngọn lửa yêu nước, nhân dân Hoằng Lộc cùng với nhân dân trong huyện, trong tỉnh tiếp tục hưởng ứng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng tư tưởng của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, nhân dân xã Hoằng Lộc đã sẵn sàng cùng nhân dân cả nước tiến lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do.

2. Truyền thống văn hóa

Quá trình hàng ngàn năm lao động sáng tạo, xây dựng xóm làng, quê hương của bao thế hệ người Hoằng Lộc đã hun đúc nên những giá trị lịch sử, văn hóa giàu bản sắc của vùng quê hiếu học.

Về giáo dục: Hoằng Lộc có truyền thống lâu đời trong học hành, khoa cử, được mệnh danh là vùng đất học của xứ Thanh “Thi Hoằng Hóa, khóa Đông Sơn”. Chính vì vậy mà dưới triều Nguyễn, Văn từ của huyện đặt tại xã Hoằng Lộc. Bài văn do cử nhân Nguyễn Huy Lịch, người bản xã soạn năm Tự Đức thứ 13 (1860) có đoạn viết:”… Văn từ tìm được nơi đất tốt để xây dựng tại xã Hoằng Bột, vốn là xã có nền nếp Thi, Thư. Hình thể có núi Châu Phong làm án, có dòng sông Mã uốn quanh, non sông đúc kết khí thiêng, sinh trưởng nhân tài, anh tuấn thể hiện là “địa linh nhân kiệt”, cho nên kẻ sĩ nhiều người đậu đạt, danh tiếng lừng lẫy, đứng hàng đầu Châu Ái mà sánh bày chung cả nước…”[7].

Lịch sử khoa cử Hán học ở Hoằng Lộc đã trải qua hơn 4 thế kỷ[8]. Vị khai khoa là Nguyễn Nhân Lễ (1461-1522) đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu, Hồng Đức thứ 12 (năm 1481). Trong hơn bốn thế kỷ, Hoằng Lộc có 12 người đỗ Tiến sĩ (Triều Lê - Mạc 10 người và triều Nguyễn 2 người). Số lượng đỗ Hương cống (Cử nhân) khoảng gần 200 người; đỗ Sinh đồ (Tú tài) và các học vị tương đương khoảng 140 người. Ngoài ra, Hoằng Lộc còn có một đội ngũ nho sinh đông đảo, là lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển giáo dục, văn hóa cho quê hương, làm rạng danh trong học hành khoa cử ở Hoằng Lộc tiêu biểu là 12 vị[9] được đề danh trên bảng vàng Đại khoa. Có 7 vị được khắc tên tại Văn Miếu Quốc tử giám, gồm 2 vị đỗ Tam khôi (Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất và Thám hoa Nguyễn Sư Lộ); 2 vị đỗ Đình nguyên Hoàng giáp (Nguyễn Thứ và Nguyễn Lại); 1 vị đỗ Hội nguyên là Nguyễn Nhân Thiệm; 2 vị đỗ Hoàng giáp (Nguyễn Cẩn và Nguyễn Bá Nhạ)[10].

Thời phong kiến, cũng như các nơi khác, do quan niệm trọng “Văn” nên việc học và thi “Võ” ở Hoằng Lộc còn hạn chế. Vì thế dưới thời Nguyễn, chỉ có 03 cử nhân Võ. Số võ quan ở Hoằng Lộc thời phong kiến đông đảo là do một số người qua đường binh nghiệp mà thành võ quan, nhiều người đỗ văn khoa sau chuyển sang binh nghiệp hoặc kiêm chức binh nghiệp.

Những người đỗ đạt đa phần đều ra làm quan. Nhiều quan lại quê Hoằng Lộc xưa đều có phẩm chất, tài năng trở thành trụ cột của triều đình, giữ chức vụ cao, được tặng phong các tước vị như công, hầu, bá[11]… Số quan lại đảm nhiệm các chức vụ cấp tỉnh, phủ, huyện rất đông đảo[12]. Suốt thời phong kiến, nho sĩ Hoằng Lộc đã có cống hiến lớn lao trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự, ngoại giao… Đó là các vị quan nổi tiếng về tài năng, nhân cách, chính trực, thanh liêm như Nguyễn Nhân Lễ, Nguyễn Sư Lộ, Bùi Khắc Nhất, Nguyễn Cẩn, Nguyễn Ngọc Huyền, Lê Huy Du, Nguyễn Viên…

Đặc biệt, Nguyễn Quỳnh sinh ra từ quê hương Hoằng Lộc đã nổi tiếng cả nước bởi sự tài hoa, tuy chỉ đỗ Hương cống nhưng được dân gian phong là Trạng, được xã hội đương thời ca ngợi xếp vào “Tràng An tứ hổ” là “Nhất Quỳnh, nhì Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn”[13].

Xưa kia, người Hoằng Lộc đạt thành tựu rực rỡ trong giáo dục không chỉ do chính sách trọng hiền tài của nhà nước phong kiến (phát triển mạnh từ thời Lê Sơ về sau). Điều cơ bản còn do những hình thức và biện pháp khuyến khích giáo dục, học hành ở làng xã cùng với truyền thống hiếu học của nhân dân với sự nỗ lực cao của các thế hệ thầy, trò Hoằng Lộc.

Các gia đình, dòng họ ở Hoằng Lộc ngoài việc giáo dục đạo đức, lẽ sống cho con cháu đã đặc biệt coi trọng giáo dục học hành thi cử. Gia phả các dòng họ ở Hoằng Lộc đều chú trọng nêu cao tinh thần khuyến học bằng vật chất cho những người đỗ đạt. Minh chứng như trong Gia phả dòng họ ông Nguyễn Nhân Lễ còn ghi lại: “Họ có 8 sào ruộng, theo tộc ước, người nào đỗ Đại khoa được họ cho một phần trong số ruộng đất ấy để xây nhà ở, số còn lại dùng làm “Học điền” cho con em trong dòng họ”[14].

Nhiều dòng họ ở Hoằng Lộc có nhiều người đỗ Đại khoa như tộc họ ông Nguyễn Nhân Lễ (4 người), Nguyễn Sư Lộ (3 người), Nguyễn Quỳnh (1 Tiến sĩ, 3 Hương cống), trong đó ông Nguyễn Cầu đỗ Tú tài lúc 13 tuổi, năm 16 tuổi đỗ Hương cống… Mọi thành viên trong gia đình từ ông, bà đến cha mẹ, con cháu đều luôn chăm lo việc học, cho dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nghèo khổ cũng cố gắng vượt qua. Trai thanh, nữ tú Hoằng Lộc luôn đặt việc học lên hàng đầu, đã đi vào ca dao - thành lời ru, điệu hát qua bao thế hệ còn truyền tụng đến ngày nay:

Trai mĩ miều gắng công đèn sách

Gái thanh tân chăm mạch cửi canh.

Tinh thần hiếu học trong gia đình, dòng họ đã tạo thành truyền thống hiếu học của cả xã. Hai làng Bột Thượng, Bột Thái (Hoằng Lộc) đều có những hình thức và biện pháp khuyến khích, chăm lo việc giáo dục học hành. Trong đó, tổ chức Làng Văn nhằm tập hợp tầng lớp nho sĩ đã được hai làng chú trọng xây dựng. Làng Văn ở hai làng đã đẩy mạnh việc khuyến khích học hành thông qua thực hiện tế lễ ở Văn chỉ - nơi thờ Đức Khổng Tử và các vị tiên hiền, tổ chức các cuộc bình thơ văn, giảng sách (một hình thức học tập ngay tại cộng đồng). Làng Văn còn thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng là biên soạn và đọc văn tế ở đình miếu, ngoài ra còn giúp chức dịch làng xã trong quản lý về mọi mặt… Các thành viên[15] trong Làng Văn không chỉ là người có học mà còn là người có đạo đức, tư cách chuẩn mực của kẻ sĩ - người quân tử. Do đó, tổ chức Làng Văn được dân làng tín nhiệm, chức dịch và quan trên kính nể. Các gia đình ở Hoằng Lộc xưa dù khó khăn đến mấy cũng sắp xếp cho con em theo học, nếu không đỗ đạt làm quan cũng được vào Làng Văn để có tiếng nói giữa làng.

Một biểu tượng - nét đẹp trong việc khuyến học ở Hoằng Lộc là Bảng Môn Đình ngoài chức năng hội họp, thờ thành hoàng của cộng đồng làng xã, còn là nơi tụ họp của “Hội tư văn” (Làng Văn), nơi trân trọng đón nhận chúc mừng của những người đỗ đạt, trong đó có 12 vị tiến sĩ đã vinh quy về làng cùng hàng trăm hương cống, tú tài. Ra đời từ mảnh đất có truyền thống học hành khoa bảng, lại có chức năng như một “Văn chỉ” nên nhân dân địa phương đã đặt cho đình tên gọi “Bảng Môn” (cửa vào của các nhà khoa bảng) để cổ vũ mạnh mẽ tinh thần hiếu học. Hằng năm, vào ngày mồng Một (Tết Nguyên đán), tại Hoằng Lộc, văn nhân các làng Bột Thượng, Bột Thái làm lễ tế trời đất xong đều vào tế Thành hoàng tại Bảng Môn. Sau thủ tục lễ nghi là phần đọc tóm tắt tiểu sử những vị đại khoa qua các triều đại nhằm nhắc nhở các gia đình giáo dục con cái phát huy truyền thống học hành của các bậc tiền bối. Trong những ngày tế lễ đầu năm này, việc bố trí chỗ ngồi được quy định theo lệ: đỗ Đại khoa (Tiến sĩ) ngồi chiếu trên, rồi đến Hương cống, Cử nhân. Hàng chiếu bên trái là các Sinh đồ, Tú tài. Hàng chiếu bên phải dành cho những nho sinh, sĩ tử chưa thi đỗ, hoặc những người trong Làng Văn, tuy họ không có học vị nhưng phẩm chất, đạo đức tốt…

Sự khuyến khích của gia đình, dòng họ, làng nước đã thúc đẩy nhiều thế hệ thầy trò Hoằng Lộc nêu cao tinh thần giảng dạy và học tập. Do đó, đất học Hoằng Lộc đã có nhiều tấm gương sáng của thầy và trò. Điển hình như thầy Nguyễn Sư Lộ, trước khi đỗ Thám hoa (năm 1554) đã là một thầy giáo dạy học nổi tiếng bởi cách dạy đặc biệt. Cạnh đường cái gần nhà ông có phiến đá phẳng, hằng ngày ông ra đấy ngồi đọc sách. Người làng qua lại, trẻ em đi học về, có điều gì, chữ gì không hiểu đến hỏi đều được ông giảng giải rành mạch, tận tình. Với lòng tôn kính, dân làng gọi ông là Sư Lộ (ông thầy ngồi ở đường). Ngày nay, “Hòn đá Sư Lộ” được lưu giữ làm kỷ niệm và đó là niềm kiêu hãnh của dân làng.

Thời phong kiến, Hoằng Lộc có tới hàng trăm giáo thụ, huấn đạo, đốc học giảng dạy cho hàng ngàn sĩ tử của đất nước. Với quê hương, họ đã cùng các thầy đồ nêu cao tấm gương hiếu học, dạy dỗ, đào tạo được nhiều con em trong làng xã thành đạt. Tiêu biểu là thầy Lê Huy Du[16], Nguyễn Khắc Tráng[17], Nguyễn Hiệu[18], Nguyễn Năng Nhượng[19]… Đặc biệt, người thầy có ngay trong gia đình, dòng họ - là ông, cha, anh đã tích cực dạy dỗ con cháu chăm lo học hành khoa cử nên Hoằng Lộc xưa kỳ thi nào cũng chiếm bảng cao.

Đặc biệt, ở Hoằng Lộc: “Sự lo toan của các bà mẹ, bà vợ còn thể hiện cả trong ý thức tâm linh. Đầu xuân năm mới, mẹ mua bút cho con khai bút lấy may. Ngày nhập môn, mẹ dẫn con đến lạy cửa nhà thầy, cậy nhờ thầy dìu dắt. Trước ngày chồng đi thi, các bà vợ, bà mẹ lo sắm lễ vật cúng gia tiên, cầu mong tổ tiên phù trợ cho chồng con mình thành đạt. Ý thức tâm lý đó không phải là hủ tục, lạc hậu mà là một nét đẹp trong đời sống tinh thần và đã trở thành một truyền thống quý báu của Hoằng Lộc”[20].

Học trò Hoằng Lộc xưa cũng nổi tiếng về rèn luyện trong học tập, kiên trì trong khoa cử. Tiêu biểu như Nguyễn Huy[21] đã kiên nhẫn dự thi Hội đến 9 khoa. Nguyễn Đôn Túc[22]đã tham dự tới 9 khoa thi Hương, đậu Cử nhân lúc cao tuổi khiến cho quan trường đương thời rất cảm phục và tặng ông đôi câu đối:

Nhất cử đăng khoa thiện hạ hữu

Thập niên trúng thí thế gian vô.

(Dịch nghĩa: Thi một khoa mà đỗ ngay thì thiên hạ có nhiều, nhưng 10 khoa liên tiếp đều đỗ thì thế gian không có).

Các hình thức khuyến học với biểu tượng Bảng Môn Đình đã cổ vũ mạnh mẽ việc học để Hoằng Lộc sớm trở thành đất học, góp phần xứng đáng vào lời ca ngợi của nhân dân xứ Thanh và cả nước.

Dưới thời Pháp thuộc, truyền thống hiếu học của người Hoằng Lộc vẫn tiếp tục được phát huy. Từ năm 1919, nền giáo dục Nho học chấm dứt, nhường chỗ cho giáo dục Pháp - Việt. Tuy nhiên, với chính sách ngu dân, thực dân Pháp không phát triển giáo dục, chỉ đào tạo một số lượng ít ỏi phục vụ cho ý đồ khai thác thuộc địa. Giai đoạn này, Hoằng Lộc đã có một số người vẫn học chữ Nho và học cả chữ Quốc ngữ, chữ Pháp. Điển hình như các ông Tú Cừ, Tú Đắc, Hàn Thiệp… Riêng ông Tú Đắc từng theo học Pháp ngữ tại trường Đốc học Thanh Hóa (năm 1912).

Năm 1922, trường Sơ học ra đời trên quê hương Hoằng Lộc là sự nỗ lực lớn của nhân dân trong việc duy trì phát triển giáo dục. Trường đặt tại khu Văn chỉ huyện (nay thuộc thôn Đình Bảng) mới chỉ dạy hết lớp 2, gồm 56 học sinh, do thầy Nguyễn Huy Uẩn giảng dạy.

Năm 1936, trường chuyển về nằm cạnh chùa Nhờn, gồm có 3 lớp. Năm 1939-1940, trường có lớp Nhì đệ nhất niên do thầy Nguyễn Huy Khôi[23] làm Hiệu trưởng; từ năm 1940-1945 thầy Lê Văn Tươm[24] làm Hiệu trưởng. Năm 1942, khóa học sinh đầu tiên của trường Hoằng Lộc, gồm 24 người dự thi Tiểu học đã trúng tuyển cao (đạt 21/24 người). Đội ngũ giáo viên giảng dạy thời bấy giờ hết lòng vì học sinh như các thầy cô: Lê Văn Tươm, Nguyễn Xuân Khôi, Ngô Văn Phi, Nguyễn Duy Sĩ, Trịnh Văn Chước, Hoàng Thị Bích, Phùng Tử Tốn.

Với tinh thần hiếu học, một số người đã khắc phục khó khăn vươn lên học tới bậc Trung học như các ông: Nguyễn Khiêu, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Văn Mạc, Nguyễn Thiện Hỗ[25]. Lớp trí thức thời Pháp thuộc ở Hoằng Lộc sau này nhiều người đã tham gia các phong trào yêu nước đấu tranh cách mạng và trở thành những đảng viên Đảng Cộng sản, cán bộ cốt cán như Lê Mạnh Trinh (Tú Đắc) và Lê Trọng Nghi[26].

Thời thuộc Pháp, số người đỗ đạt ở Hoằng Bột còn ít, chỉ có 01 Tú tài, 10 người có trình độ Cao đẳng Tiểu học, 60 người có trình độ Tiểu học và số người mù chữ chiếm tới 80% dân số.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hưởng ứng phong trào phát triển giáo dục của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống hiếu học của đất học Hoằng Lộc tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Phong trào “Bình dân học vụ” được nhân dân hưởng ứng đạt hiệu quả cao, tạo đà cho sự phát triển giáo dục trên quê hương Hoằng Lộc.

Về văn hóa: Là vùng đất cổ, lại có điều kiện địa lý thuận lợi, Hoằng Lộc đã sớm trở thành mảnh đất giao lưu, hội tụ nhiều sắc thái văn hóa của dân tộc, làm giàu cho văn hóa quê hương. Đất và người Hoằng Lộc trong suốt chiều dài lịch sử luôn giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của cha ông. Ý thức đó còn được lưu lại đậm nét trên quê hương Hoằng Lộc bởi nguồn văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú như đền, nghè, chùa, đình, văn từ, phong tục tập quán truyền thống, truyện kể dân gian, tục ngữ, ca dao, văn thơ…

Tục thờ cúng tổ tiên (tại gia đình, dòng họ), tín ngưỡng thờ thần thánh, thiên thần, nhân thần có công với xóm làng, đất nước qua các thời kỳ lịch sử ở đền, nghè, chùa, đình làng Hoằng Lộc là nét đẹp văn hóa đặc sắc. Từ xưa, mỗi gia đình ở Hoằng Lộc đều lập bàn thờ gia tiên được đặt ở nơi trang trọng nhất. Các dòng họ lớn có nhà thờ họ, dòng họ nhỏ thì nhà Trưởng tộc đồng thời cũng là nơi thờ họ. Việc thờ phụng tổ tiên không chỉ biểu hiện lòng tôn kính, biết ơn tới các vị tiên tổ mà qua đó đã giáo dục các thế hệ con cháu nối tiếp truyền thống cha ông, rèn đức, luyện tài, phấn đấu thành đạt và giữ tròn đạo hiếu. Đặc biệt, Hoằng Lộc có rất nhiều nhà thờ họ đồng thời là nơi thờ phụng các danh nhân nổi tiếng. Tiêu biểu là các nhà thờ họ Bùi, Nguyễn… với các danh nhân Bảng nhãn Tướng công Bùi Khắc Nhất, Hoàng giáp Nguyễn Nhân Thiệm, Nguyễn Quỳnh[27]

Hệ thống đền nghè, đình, chùa Hoằng Lộc xưa thờ thần, Phật rất cổ kính và kiến trúc khá lớn. Đó là các miếu Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam là những nơi thờ Đống Lửa (mộng vua Lý thấy trong đêm cho là “Linh địa” phong thần lập miếu thờ). Miếu Đệ Tứ thờ Thành Hoàng làng Nguyễn Tuyên[28] (tại khu chợ Quăng), nay là thôn Đình Bảng là công thần nhà Lý có công dẹp giặc Chiêm Thành, được phong là “Đương cảnh Thành hoàng, Thượng đẳng Phúc thần Đại vương”. Một vị phúc thần nữa là Bùi Khắc Nhất - công thần thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI) được triều Cảnh Hưng (1740-1786) sắc phong là “Thượng đẳng Phúc thần Tuy dụ Hùng lược Đại vương” thờ tại miếu Đệ ngũ (cũng là nhà thờ họ Bùi) và phối thờ ở đình.

Hoằng Lộc xưa cũng là một địa điểm trung tâm về sinh hoạt Phật giáo với 2 ngôi chùa cổ là chùa Thiên Vương và chùa Nhờn (có từ trước thế kỷ XII) do sư tăng Trần Công Hoa trụ trì[29]. Chùa Thiên Vương nằm cách làng 1km về phía Tây có kiến trúc đơn giản (gồm 3 gian nhà, tường xây gạch, mái lợp ngói). Bên trong có tượng Thiên Vương cao lớn, đeo cân đai, ngồi tựa trên ngai, đầu đội mũ chạm nóc chùa[30].

Chùa Nhờn, tên chữ là Thiên Nhiên tự nằm ở thôn Đình Nam. Theo văn bia do tiến sĩ Phạm Công Trứ[31] soạn (hiện còn lưu trữ tại chùa), chùa có những tòa Phật đàng hoàng, tôn nghiêm, lộng lẫy, có đủ ruộng đất làm ra của cải, hoa quả, hương oản sớm hôm dâng cúng, có phòng La Hán trang nghiêm, ngày đêm tụng niệm. Rồng múa, hổ chầu lung linh bảo tọa, tùng bách tươi xanh, trăng trong gió mát, mai, trúc đẹp xinh, quế hương ngào ngạt. Trên tòa sen lấp lánh thuyền bát nhã khai sinh. Công đức lớn lao, phúc lộc thịnh vượng… Qua văn bia, chứng tỏ chùa có quy mô lớn về kiến trúc[32] với nhiều tăng ni, phật tử, là trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng lớn trong vùng.

Đình làng Hoằng Lộc xưa có kiến trúc khá lớn - chính là Bảng Môn Đình rất nổi tiếng ở xứ Thanh. Bảng Môn Đình được xây dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV), tọa lạc trên một khuôn viên khá rộng, mặt quay hướng Nam, gồm một tòa đại đình nằm ngang và nối từ gian giữa ra phía sau là tòa hậu cungchạy dọc theo bố cục chữ “Đinh”.

Bảng Môn Đình không chỉ là một ngôi đình làng thuần túy mà còn là một bảo tàng nghệ thuật kiến trúc gỗ còn lại gần như duy nhất đại diện cho di sản kiến trúc gỗ của Việt Nam trong thế kỷ XVII trên đất Thanh Hóa (phần hậu cung). Các lớp văn hóa chồng xếp ở Bảng Môn Đình được thể hiện qua nghệ thuật chạm khắc: lớp thế kỷ XV - XVI với đường diềm trang trí bao quanh mặt cửa nhà Hậu cung kiểu y môn trước các điện thờ, phong cách chạm khắc thô ráp, hình họa rất ngộ nghĩnh, sống động, hồn nhiên, đậm yếu tố dân gian như ở chùa Keo, chùa Bút Tháp (thế kỷ XVIII); lớp thế kỷ XVII, nội thất nhà hậu cung có chạm khắc trên vách, đặc biệt là kết cấu vì nóc với các hình tượng chim phượng, cá hóa rồng, hoa cúc, sen, trúc với phong cách tinh tế, hình nét cầu kỳ, hoa mỹ; lớp thế kỷ XIX - XX, tại nhà tiền đường có nội dung tứ linh, tứ quý nhưng mang phong cách khỏe khoắn, mạnh mẽ, sung mãn, khối tạc có diện tích lớn.

Bảng Môn Đình được xem là trung tâm biểu hiện đạo học của Làng, Bảng Môn Đình sớm có bóng dáng một trường làng cổ xưa của Việt Nam. Ở Kinh Đô có Quốc Tử Giám; ở tỉnh có Trường Thi. Đây là một điểm rất đặc biệt ở Bảng Môn Đình.

Bảng Môn Đình thờ Thành hoàng làng Nguyễn Tuyên - vị Đại tướng có công bình Chiêm dưới triều Lý. Niên hiệu Càn Phù triều Lý Thái Tông, quân Chiêm Thành xâm chiếm bờ cõi, nhà vua thân chinh đi đánh giặc, đến vùng Hoằng Hóa ra lệnh hạ trại ở Thiên Quan thị (chợ Quăng). Nguyễn Tuyên được vua phong làm Đại tướng, cầm quân thẳng tiến phương Nam dẹp giặc Chiêm Thành thu về đại thắng. Thắng trận trở về, đến đầu làng Ngài hóa thân tại chỗ, đó là ngày 21 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1037). Vua cho xếp vào hạng công thần, sắc phong “Đương cảnh Thành hoàng, Thượng đẳng Phúc thần Đại vương”, được dân làng tôn làm Thành hoàng. Hằng năm, làng tổ chức tế lễ vào ngày 10 tháng 3 và ngày 21 tháng 12 (âm lịch), là ngày sinh và ngày hóa của thần.

Tại đình, trước ngày mở hội dân làng được nghe “Thúc ước văn” của 2 làng Bột Thái và Bột Thượng nhằm khắc sâu những quy định, khuyên bảo về đạo làm người. Hội làng mở từ mồng 3 đến mồng 6 Tết với hội vật sôi nổi, đấu cờ tướng, thi họa thơ…

Bảng Môn Đình là niềm tự hào của quê hương Hoằng Lộc - vùng đất “Địa linh nhân kiệt” (Đại tự treo ở đình), đã sản sinh nhiều nhân tài làm nên truyền thống “Văn hiến” của làng như đôi câu đối treo tại đình mãi nhắc nhở mọi thế hệ sĩ tử:

Địa vị quân tử hương, thanh danh sở tụy

Nhân tại văn hiến ấp, phong tiết từ trì.

Dịch nghĩa:

Đất sinh người quân tử tiếng tăm tụ hội

Người ở làng văn hiến khí tiết vững bền.

Tiếng trống Cù Bảng Môn Đình vang xa trong ngày lễ hội không chỉ thôi thúc chí khí người Hoằng Lộc mà đã lan tỏa cả một vùng rộng lớn khiến dân gian xứ Thanh tự hào: Đình huyện Tống, trống Chợ Quăng, cờ Nam Ngạn[33]. Đó cũng là niềm tự hào của nhân dân Hoằng Lộc đã đóng góp xứng đáng vào truyền thống văn hóa của tỉnh Thanh và đất nước.

Là vùng đất được coi là “Địa linh nhân kiệt”, Hoằng Lộc đã có những đóng góp nhất định vào kho tàng văn học dân gian quý giá. Đó là, những câu phương ngôn, tục ngữ, ca dao ca ngợi quê hương, tự hào về truyền thống hiếu học; phản ánh nghề thủ công truyền thống như các nghề: dệt, mộc, nề, buôn bán…

               Dừa xóm Sau

               Cau xóm Nhỏ…

               Nề Hoằng Lộc

               Mộc Đạt Tài…

Nhân dân Hoằng Lộc sáng tác vè rất phổ biến làm vũ khí đấu tranh với thói hư, tật xấu. Ca ngợi tinh thần yêu nước chống giặc kiên cường như bài Văn thân Hoằng Bột phản ánh phong trào Cần Vương chống Pháp tại địa phương có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật.

Truyện kể dân gian Hoằng Lộc hết sức phong phú, gồm các truyện kể thuở lập ấp, dựng làng xây dựng quê hương thành vùng đất trù phú với sự phù trợ linh thiêng của các vị thánh thần; truyện kể về đề tài chống ngoại xâm, về tài năng của các danh nhân đã đóng góp cho quê hương trở thành vùng đất học… trong đó, nổi bật là truyện dân gian Trạng Quỳnh. Với nghệ thuật trào phúng gây cười và phản ánh hiện thực, truyện Trạng Quỳnh đã đứng về phía nhân dân đấu tranh phản phong quyết liệt, chống mọi thói hư, tật xấu và bạo quyền của Nhà nước phong kiến. Truyện Trạng Quỳnh là sáng tác tập thể của nhân dân Hoằng Lộc, Hoằng Hóa và cả nước (thế kỷ XVIII). Với hơn 40 mẩu giai thoại được khởi phát từ Hoằng Lộc lan tỏa ra cả nước thành một hệ thống truyện cười độc đáo, có giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc. Truyện Trạng Quỳnh được coi là “Hoàn thiện nhất trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam”, trong đó nhân dân Hoằng Lộc có đóng góp lớn rất đáng tự hào.

Ngoài ra, Hoằng Lộc còn có giai thoại về các nhân vật hài hước như Nguyễn Chung (Tú Chung - thuộc dòng họ Nguyễn Điền ở Bột Thượng); Nguyễn Xiển[34] (Xiển Bột ở Bột Thái). Tuy không phong phú, hoàn thiện như truyện Trạng Quỳnh, nhưng đã nối tiếp được tài sáng tác truyện cười độc đáo của quê hương Hoằng Lộc.

Cùng với văn học dân gian, nhiều tác phẩm văn học viết ở Hoằng Lộc đã ra đời. Đó là hai bản Thúc ước Văn của hai xã Bột Thượng và Bột Thái là hai bài phú Đường luật có vần, đối theo luật bằng trắc mang nội dung ca ngợi quê hương, cổ vũ việc học hành, khoa cử… Các bài văn bia chùa Nhờn (tiến sĩ Nguyễn Công Trứ soạn); bia cầu Đường Bột (tiến sĩ Nguyễn Nhân Thiệm soạn năm 1591); bia văn từ huyện Hoằng Hóa (cử nhân Nguyễn Huy Lịch soạn) đã phản ánh mọi mặt kinh tế, văn hóa, địa lý, lịch sử đương thời của địa phương. Đặc biệt, tác phẩm văn học đặc sắc ở Hoằng Lộc là thơ phú Nguyễn Quỳnh (1677-1748), ông đã để lại bài “Tự thuật”, một số bài văn “Tế cha, mẹ, em trai”, một số bài thơ, phú bằng chữ Hán, chữ Nôm… Nguyễn Quỳnh đã có vị trí trong lịch sử văn học nước nhà. Ngoài ra, Hoằng Lộc còn có dòng văn thơ yêu nước xuyên suốt trong các giai đoạn lịch sử với các tác giả Lê Huy Du (1757-1835), Nguyễn Ngôn Nhân, Nguyễn Huy Cừ, Nguyễn Tử Kính, Lê Huy Cận, Tú Đắc (Lê Mạnh Trinh, chiến sĩ cộng sản đầu tiên ở Hoằng Lộc).

3. Truyền thống lao động

Ngay từ thuở khai hoang mở đất và trong quá trình lập ấp, dựng làng, người Hoằng Lộc với tinh thần lao động sáng tạo và trí thông minh đã biết dựa vào thuận lợi của điều kiện tự nhiên, khắc phục khó khăn, đồng sức, đồng lòng khai khẩn đất đai, xây dựng cộng đồng làng xã, tạo dựng cho quê hương trở thành vùng nông nghiệp trồng lúa và màu cùng nhiều ngành nghề truyền thống. Đó chính là nét đẹp được người Hoằng Lộc hun đúc thành truyền thống trong lao động mà chứng tích còn ghi đậm ở hàng chục cánh đồng trồng lúa, trồng màu với các tên gọi cổ như: Các cồn[35], Kẻ, Chợ, Đậu, Kiết, Chạm, Ngựa; các bái, Sáo Trong, Sáo Ngoài; các đồng Sông, Bến; các nổ[36], Cạn, Ná, Trén…; các nghề thủ công truyền thống còn lưu truyền tới ngày nay như: dệt, may, mộc, nề…

Là vùng đất sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, trồng màu và cây ăn quả, Hoằng Lộc không chỉ giàu kinh nghiệm trong gieo trồng cây lúa mà còn rất giàu kinh nghiệm về trồng khoai lang và cây dừa cho năng suất cao. Gặp những năm mất mùa, khoai lang Hoằng Lộc đã trở thành nguồn lương thực chính. Vì thế, dân gian xưa có câu:

Ông Nghè, ông Cống cũng sống vì lang

Ông Lý giữa làng, không lang cũng chết.

Cây dừa Hoằng Lộc không chỉ tạo cho quê hương vẻ đẹp “Phong cảnh hữu tình” mà còn là nguồn quan trọng để phát triển kinh tế của địa phương. Từ xưa, đặc sản dừa Hoằng Lộc đã được nhiều địa phương biết đến trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa… Dân gian xưa có câu: “Dừa làng Nghĩa, mía làng Tào”[37] đã hàm ý ca ngợi Hoằng Lộc nổi tiếng bởi cây dừa.

Chính sự đa dạng của các cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở Hoằng Lộc đã là nguồn kinh tế cung cấp cho quê hương và đóng góp vào quá trình xây dựng xóm làng.

Đóng góp vào truyền thống lao động ở Hoằng Lộc còn có các nghề thủ công truyền thống. Trong đó, nghề dệt Hoằng Lộc xưa nổi tiếng gắn liền với truyền thống lao động cần cù, đảm đang của người phụ nữ đã được dân gian ngợi ca sánh vai cùng danh sĩ:

Trai thời chiếm bảng đề danh,

    Gái thời dệt vải vừa lanh, vừa tài.

Nghề dệt ở Hoằng Lộc có một bề dày lịch sử đáng kể. Đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, toàn xã có trên 1.000 khung dệt, cỡ khổ vải hẹp 1 thước ta (40 cm) và lao động hoàn toàn thủ công từ khâu ngâm sợi, đập sợi, lên khung đến khâu dệt. Vải dệt ra được tiêu thụ tại chợ Quăng và nhiều chợ khác trong tỉnh.

Đặc biệt, truyền thống lao động của người Hoằng Lộc đã được ghi nhận bởi óc sáng tạo và bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân thợ mộc, thợ nề đã xây dựng trên quê hương một quần thể kiến trúc chùa, miếu, đền, đình cổ kính với nghệ thuật chạm trổ tinh vi - được Thúc ước văn của làng ngợi ca:

Góp quyền tạo hóa lên gác lầu tạc phượng, tạc rồng

Thay chức thiên công vào lăng miếu, làm rường, làm cột.

Thợ Hoằng Lộc xưa còn được nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh tin cậy mời về để xây dựng đình chùa và nhà ở.

Xưa chợ Quăng (Hoằng Lộc) là một điểm thương nghiệp có ảnh hưởng rộng trong vùng với các mặt hàng như: lúa, gạo, ngô, khoai và đặc biệt là vải, dừa… Theo Ngọc phả Thành hoàng Bảng Môn Đình: chợ Quăng có từ thời Lý, có tên chữ là Thiên Quan thị. Sử sách triều Nguyễn gọi là chợ Hoằng Nghĩa và được liệt vào danh sách những chợ lớn của tỉnh Thanh[38]. Năm 1941, chợ được xây dựng lại tại cồn Mã Hàng. Mỗi tháng, chợ Quăng họp 42 phiên (30 phiên chiều và 12 phiên đại). Phiên đại, lượng người các nơi đổ về mua bán tấp nập, đông đúc. Do đó, người dân Hoằng Nghĩa có câu:”Chợ Quăng phiên đại, người dại cũng đi”.

Sự ra đời của chợ Quăng đã tạo điều kiện cho nghề buôn bán phát triển, giúp cho Hoằng Lộc xưa mở rộng giao lưu để phát triển kinh tế - văn hóa quê hương. Tuy nhiên, phương thức buôn bán chỉ hạn chế ở mức trao đổi hàng hóa giữa các chợ trong tỉnh, chưa vươn lên để trở thành tầng lớp thương nhân lớn.

Từ trong lao động, mối quan hệ cố kết họ hàng, làng nước ngày càng thêm gắn bó và đoàn kết với tinh thần đùm bọc lẫn nhau trong “Tình làng nghĩa xóm”. Truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của người Hoằng Lộc đã là vốn quý, là nguồn lực thúc đẩy Đảng bộ và nhân dân toàn xã vững bước cùng cả nước thực hiện thành công công cuộc đổi mới.




[1] Ông là cử nhân khoa Tân Mão, triều Minh Mệnh (1831). Ông cương quyết trả súng Pháp và đồng tình ủng hộ các yêu sách đòi giảm thuế của nhân dân Quảng Nam, do đó bị cách chức. Về sau do đấu tranh của nhân dân Quảng Nam, triều đình phải mời ông trở lại nhận chức Hàn lâm viện.

[2] Nguyễn Đôn Tiết quê Bút Sơn.

[3] Lê Trí Trực quê làng Trung Hậu (xã Hoằng Trung).

[4] Cao Điển còn gọi là Cao Văn Điển, Cao Bá Điển, quê làng Trinh Sơn (xã Hoằng Giang).

[5] Cử nhân Nguyễn Huy Vũ là con trai thứ 5 của ông Nguyễn Huy Lịch.

[6] Nguyễn Huy Kiển, Nguyễn Huy Đản và Nguyễn Huy Hoạch là ba người cháu gọi Nguyễn Huy Vũ là chú ruột.

[7] Bùi Khắc Việt - Nguyễn Đức Nhuệ, Hoằng Lộc đất hiếu học, Nxb Thanh Hóa 1996, tr.165.

[8]Kể từ vị khai khoa Nguyễn Nhân Lễ đỗ Tiến sĩ năm 1481 đến khoa thi Nho học cuối cùng triều Khải Định năm 1919.

[9] 12 vị đại khoa gồm: Nguyễn Nhân Lễ (1461 - 1552); Nguyễn Thanh (1506 - 1545); Nguyễn Sư Lộ (1519 - ?); Bùi Khắc Nhất (1533 - 1609); Nguyễn Cẩn (1537 - 1585); Nguyễn Nhân Thiệm (1534 - 1597); Nguyễn Thứ (1572 - ?); Nguyễn Lại (1581 - ?); Nguyễn Ngọc Huyền (1685 - 1743); Lê Huy Du (1757 - 1835); Nguyễn Thố (1793 - 1843); Nguyễn Bá Nhạ (1822 - 1848).

[10] Đúng ra là Nguyễn Bá Nhạ và Nguyễn Tôn Thố được khắc trên bia Tiến sĩ ở Văn miếu Huế, Nguyễn Cẩn đỗ thời Mạc - không có bia (T.G).

[11] Các bộ, viện có 33 vị (3 thượng thư; 3 tả hữu thị lang;1 đô ngự sử; 1 phó đô ngự sử; 1 giám sát ngự sử; 1 hồng lô tự khanh; 2 hồng lô tự thiếu khanh; 1 thái thường tự khanh; 1 đô cấp tự trung; 3 lang trung các bộ; 3 cẩn sự tá lang; 2 viên ngoại lang; 1 hàn lâm viện thị độc; 1 hàn lâm viện điển tịch; 1 hàn lâm viên biên tu; 1 hàn lâm cung phụng; 2 tướng sĩ lang (Kim long điện tri điện); 1 tu soạn; 1 tú lâm cục; 1 chủ sự bộ hình).

[12] Cấp tỉnh: có 25 vị ( 1 đốc trấn; 1 bố chính; 1 án sát; 2 thừa chánh sứ; 2 hiến sát sứ; 3 hiến sát phó sứ; 2 tham nghị; 1 tham hiệp trấn; 6 đốc học; 1 khâm sai đốc trấn; 2 tả mạc; 1 thượng sứ; 1 tuyên phủ sứ; 1 phó ty thông chính sứ). Cấp phủ, huyện có: 50 vị (16 tri phủ; 2 đồng tri phủ; 4 huấn đạo; 8 giáo thụ; 15 tri huyện; 1 đồng tri huyện; 5 huyện thừa).

[13] Nguyễn Nham: Quê Phùng Thái, Thạch Thất, Sơn Tây, đỗ Tiến sĩ khoa Ất mùi (1715). Nguyễn Công Hoàn: Quê Cổ Đô (Ba Vì, Hà Tây cũ). Tuy chỉ đỗ Hương cống nhưng nổi tiếng hay chữ.Lê Anh Tuấn: Quê Thanh Mai (Ba Vì, Hà Tây cũ) đỗ Tiến sĩ (năm 1704), từng giữ chức Tham tụng thời Chúa Trịnh Cương. Ông là một trí thức uyên bác, một nhà cải cách xuất sắc thế kỷ XVIII.

[14] Theo sách Hoằng Lộc đất hiếu học, Nxb. Thanh Hóa, 1996, tr.66.

[15] Các nhà khoa bảng, những người biết chữ Hán và sau này là chữ Quốc ngữ (từ trình độ tiểu học), có phẩm chất đạo đức tốt. Tổ tiên không làm gì phản làng, nước, đã ngụ cư ở làng từ 3 đời, nộp lệ phí cho làng từ 10 đến 20 quan thì được vào Làng Văn. Những người trái với lệ làng, phép nước bị xóa tên trong sổ Làng Văn.

[16] Lê Huy Du, đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1787), làm Đốc học các trấn Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa và Quốc Tử giám (triều Nguyễn), đào tạo được nhiều nhân tài như: các tiến sĩ Lê Văn Trung, Nguyễn Lý, Phạm Sĩ Ái, Hoàng Tế Mỹ, Phạm Quỹ, Nguyễn Tôn Thế.

[17] Nguyễn Khắc Tráng, đỗ Hương tiến khoa Kỷ Hợi (1779), làm Đốc học trấn Nghệ An hơn 10 năm là bậc thầy đức độ uyên thâm, văn tài nổi tiếng. Học trò ông nhiều người thành đạt như Hà Duy Phiên (cùng quê, là một trọng thần của nhà Nguyễn).

[18] Nguyễn Hiệu, đỗ Hương cống năm Nhâm Ngọ (1762), làm Huấn đạo phủ Thiệu Thiên (phủ Thiệu Hóa từ thời Nguyễn), rồi Đốc học trấn Nghệ An. Nghỉ hưu về quê (Hoằng Lộc) dạy học, có nhiều học trò đỗ đạt nổi tiếng như cử nhân Hoàng Đức Nhân, Lâm Văn Bính, giải nguyên Nguyễn Viên…

[19] Nguyễn Năng Nhượng đỗ Cử nhân triều Nguyễn, là Đốc học có nhiều học trò giỏi như Bùi Bằng Đoàn là Thượng thư Bộ Hình (triều Nguyễn), sau là Chủ tịch Ủy ban Thường trực Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

[20] Trích Hoằng Lộc đất hiếu học, Sđd.

[21] Nguyễn Huy, thi đỗ Hương cống triều Lê khoa thi Quý Mão và liên tiếp 9 khoa liền ông tham gia thi Hội nhưng lần nào cũng chỉ đỗ Tam trường. Sau ông đượ bổ nhiệm làm tri huyện các huyện Đông Sơn, Gia Định…

[22] Nguyễn Đôn Túc lúc đậu Cử nhân tuổi đã cao vẫn được bổ nhiệm làm Giáo thụ phủ Tĩnh Gia. Ông có câu nói nổi tiếng “Làng tôi là đất học, còn đi thi được thì tôi quyết lấy đỗ”.

[23] Thầy Nguyễn Huy Khôi quê thành phố Thanh Hóa.

[24] Thầy Lê Văn Tươm quê Hoằng Phú, Hoằng Hóa.

[25] Năm 1936, ông Nguyễn Thiện Hỗ là người đầu tiên trong xã đậu bằng cao đẳng tiểu học (tức trung học phổ thông - cấp II, gọi là Điplôme).

[26] Là hai em ruột, quê Hoằng Lộc.

[27] Nhà thờ Nguyễn Quỳnh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, năm 1990.

[28] Miếu thờ ngay trên mộ Nguyễn Tuyên (Thượng sàng hạ mộ).

[29] Sư Trần Công Hoa quê Diên Hà, Thái Bình là sư tăng chính thống của chùa Báo Thiên được nhà nước cấp độ điệp đã trụ trì tại 2 chùa này mô phỏng thế kỷ XVII (Theo sách: Hoằng Lộc đất hiếu học, Sđd, tr.76.

[30] Chùa đã bị phá hủy.

[31] Phạm Công Trứ, quê thôn Nhuệ Chất, xã Liên Xuyên, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương. Ông giữ chức Phó đô ngự sử (năm 1645), rồi Lại bộ Thượng thư; về trí sĩ làm Thái bảo Quốc lão, Yến quận công (năm 1668); được Vua mời làm Tham tụng (năm 1669). Ông là người có tài thao lược, giỏi thơ phú và nghiên cứu lịch sử.

[32] Năm 1935, chùa đã được trùng tu. Chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

[33] Huyện Tống nay là huyện Hà Trung, chợ Quăng chỉ Hoằng Lộc, Nam Ngạn nay thuộc thành phố Thanh Hóa. Trống treo ở đình Hoằng Lộc xưa có đường kính mặt trống là 1,5m.

[34]. Nguyễn Xiển (1835 - 1928), thuộc dòng dõi ông Nguyễn Điền (Án sát xứ Nghệ An, không phải là cháu 4 đời của Trạng Quỳnh như nhiều sách viết).

[35]. Cồn chỉ khu đất cao.

[36]. Nổ chỉ nơi cận sông nước, lầy lội.

[37]. Làng Tào thuộc xã Hoằng Lý ngày nay.

[38]. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1970, t.2, tr.247.

Công khai kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
254954